“Lộc” của 2021 từ careerlink.vn


Link bài gốc: https://www.careerlink.vn/cam-nang-viec-lam/ke-cau-chuyen-nghe/product-owner

Product Owner – “Nhà sáng chế” thổi sự sống vào từng sản phẩm

Từng đảm nhận vị trí Product Owner cho Cổng đặt phòng của hệ thống khách sạn Vingroup, anh Nguyễn Lê Cương thừa nhận rằng dấn thân vào lĩnh vực công nghệ chưa bao giờ dễ dàng. Thế nhưng, một khi đã dấn thân vào con đường này, anh nhận ra rằng công nghệ không chỉ xoay quanh những dòng code mà nó còn tuyệt vời hơn thế nữa.

Học được gì từ các công ty công nghệ lớn?

Trở thành một Product Owner là cơ hội đồng thời cũng là áp lực vô cùng lớn bởi chính Product Owner sẽ là người chịu trách nhiệm chính cho sự thành – bại của “đứa con” mình tạo ra. Điều đặc biệt rằng vị trí Product Owner không bó buộc ứng viên phải có nền tảng chuyên môn về kỹ thuật cao song để trụ vững trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt thì trang bị cho mình một kiến thức nền về kinh doanh, công nghệ… chưa bao giờ là dư thừa.

Xuất phát điểm không phải là một dân công nghệ thuần túy song với tinh thần ham học hỏi và tràn đầy nhiệt huyết của bản thân, anh Lê Cương quyết định dấn thân vào con đường anh chưa từng trải nghiệm, đó là làm công nghệ. Với một “tay ngang” như anh, việc được nhận vào một tập đoàn tên tuổi khi ấy là một điều vô cùng bất ngờ. Chính anh thừa nhận rằng có lẽ những nhà tuyển dụng đã thấy được năng lượng và tinh thần cầu tiến của mình nên đã cho anh một cơ hội thử sức.

Làm việc tại một trong những “người khổng lồ” nhất nhì tại Việt Nam, sản phẩm anh chịu trách nhiệm lại lớn, vì đối tác là những công ty có tên tuổi với số lượng người dùng “khủng”. Đơn cử như việc, nếu không phát hiện lỗi kịp thời thì chỉ trong vài phút nó đã có thể ảnh hưởng vài nghìn người dùng.

Cộng với việc mật độ ra mắt sản phẩm lại dày nên những sự cố như vậy có thể làm “bốc hơi” doanh thu và gây ra thiệt hại nặng nề cho công ty. Đây là những “cơn ác mộng” cũng như áp lực với một Product Owner như anh.

Sự di chuyển của những tập đoàn công nghệ hàng đầu rất nhanh và các nhóm phát triển buộc phải theo kịp guồng quay với số lượng công việc và thông tin quá tải. Mỗi cá nhân đóng vai trò như một vận động viên đang cật lực chạy trên một đường đua xa tít tắp và họ không được quyền dừng lại.

Do đó, sau một thời gian “đứng trên vai gã khổng lồ”, anh Lê Cương đành chấp nhận chia tay Vintech. “Mình nhận ra rằng việc xử lý một nền tảng lớn và quan trọng như vậy là quá sức đối với mình. Mình biết thế mạnh và hạn chế của mình ở thời điểm đó. Mặc dù đã rất cố gắng nhưng mình ý thức được rằng phải bước xuống mới có thể bước lên. Lúc đó mình cảm thấy cả thế giới như đang đóng sầm lại” – anh chia sẻ.

Dù tiếc nuối nhưng anh cũng khẳng định rằng vài tháng ngắn ngủi đó tương đương 2 năm nếu chọn nơi khác để phát triển. Sau khi rời đi, Anh Lê Cương đã đúc kết cho mình những bài học đắt giá.

Sự quyết đoán và nhạy bén rất quan trọng cho một khởi đầu mới bởi lẽ với vai trò như một “chuyên gia” của nhóm, ý kiến của bạn sẽ được mọi người lắng nghe. Điều đó đồng nghĩa rằng, bạn phải nắm thật rõ sản phẩm để đưa ra quyết định chính xác nhất trong thời gian ngắn nhất.

Nhưng cũng mềm dẻo và linh hoạt vì cùng lúc nắm giữ nhiều vai trò nên Product Owner là mắt xích quan trọng để gắn kết các thành tạo thành một dây chuyền sản xuất đồng bộ và “trơn tru” hơn. Tại Việt Nam, các thành viên thường nhìn một Product Owner như một quản lý nên người nắm giữ vị trí phải chuyển mình linh hoạt giữa “người cộng sự và người quản lý” để đạt được hiệu quả cao nhất.

Hãy sẵn sàng tinh thần đảm nhận nhiều vị trí. “Không chỉ làm đúng phần việc của mình, Product Owner còn là người trả lời cho những câu hỏi technical và non-technical (kỹ thuật). Thậm chí anh phải làm đa vị trí trong team nên bản thân mình phải học cách cân đo đong đếm sao cho hợp lý nhất.” – anh chia sẻ.

Và đừng bao giờ ngại đặt câu hỏi. “Không ai có thể nắm hết chi tiết các yêu cầu và giải pháp trong lòng bàn tay chỉ trong vỏn vẹn vài ngày đầu đi làm vì thế việc hỏi là điều tất yếu. Hãy hỏi thật nhiều, hỏi đồng nghiệp hỏi luôn cả sếp. Câu hỏi hay cũng đánh giá trình độ của người hỏi nữa.” – anh dí dỏm chia sẻ.

Cái “sướng” của nghề

Khi được hỏi anh nghĩ thế nào là vẻ đẹp của một Product Owner, anh Cương sáng bừng, kể về những câu chuyện đã qua với sự phấn khích.

Cái cảm giác mình tạo ra một sản phẩm và được người khác dùng… Nó sướng lắm.

Anh Cương hài hước kể: “Người ta khen cũng được mà chê cũng được, tại nhờ có phản hồi thì mình mới biết được rằng sản phẩm mình đến được với họ và họ có sử dụng. Từ đó, anh và cộng sự tìm ra hướng phát triển tối ưu nhất cho sản phẩm”. Cái cảm giác “đã đã” của nghề này như cảm giác người cha, người mẹ nhìn đứa con thành hình và lớn khôn vậy.

“Nhiều khi nhớ lại, mình còn bất ngờ bởi từ những ý tưởng còn trên giấy đến khi trở thành một thành phẩm hoàn thiện là cả một quá trình dài đòi hỏi nỗ lực đến từ một tập thể. Mình vui chớ! Mình vui vì đã đi đến tận cuối cùng với mọi người để thấy được “hình hài” đứa con mình ra sao”.

Một trong những sản phẩm mà anh tâm đắc nhất đó là khi anh cùng các cộng sự thực hiện một dự án về sức khỏe. Ngày hôm sau khi vừa hoàn thành và ra mắt, sản phẩm của anh đã được đưa vào ứng dụng thực tế. Điều đó không chỉ minh chứng cho nỗ lực của một tập thể mà còn là một phần đóng góp nhỏ vào lợi ích cho sức khỏe cộng đồng.

Lần khác, sản phẩm cả nhóm anh chịu trách nhiệm là một ứng dụng về blockchain. Thời điểm đó, ứng dụng đã thu về một lượng lớn người dùng chỉ trong 24 giờ. Mỗi ngày, anh và cả nhóm đều hồi hộp mong chờ từng feedback (phản hồi) của người dùng trong hòm thư của các thành viên và “lâng lâng”, vui sướng khi đó là những đánh giá tích cực. Mỗi lời góp ý đều là nguồn động lực giúp anh vững tin hơn trên con đường mình đã chọn và tin rằng sản phẩm mình tạo ra là sự hỗ trợ thiết thực cho người dùng.

Nếu cái đẹp của nghề giáo là truyền dạy tri thức, của nghề y là cứu người thì cái đẹp của một PO nói riêng và của công nghệ nói chung đôi khi không nằm ở những dòng code quy củ mà nó nằm ở việc chính mình trở thành một “nhà sáng chế”, đem lại “sự sống” cho một sản phẩm công nghệ và giúp tối ưu hóa cuộc sống con người. Vì lẽ đó mà dù trải qua nhiều va vấp, anh Lê Cương vẫn chọn ở lại với nghề, chọn công nghệ và tiếp tục cống hiến.

Cơ hội nào dành cho những “tay ngang” trong thế giới công nghệ?

Tốt nghiệp với bằng cử nhân về kinh doanh nhưng sau cùng lại “hạ cánh” trong lĩnh vực công nghệ. Nhiều người lầm tưởng rằng các nhóm ngành kỹ thuật là những ngành nghề khô khan và chỉ dành riêng cho những người có sẵn chuyên môn. Hoặc ít nhất, họ bắt buộc phải thành thạo các ngôn ngữ máy tính mới có thể an tâm dấn thân vào con đường này. Thế nhưng, anh Lê Cương là một minh chứng cho thấy công nghệ là “đại dương lớn” với vô vàn cơ hội và tiềm năng cho mọi người đến từ nhiều vạch xuất phát.

Anh Cương cho rằng: “Những kiến thức kỹ thuật tuy phức tạp song chúng ta có thể chủ động học hỏi trong quá trình giao tiếp với các thành viên khác. Đặc biệt với trường hợp của những người Quản lý sản phẩm được cộng tác cùng nhóm các lập trình viên dày dặn chuyên môn thì bước đầu tiên luôn là thẳng thắn thừa nhận rằng kiến thức của mình về lĩnh vực này không thể so sánh với họ.”

“Họ thường nghĩ vì họ giỏi về kỹ thuật nên ý kiến của mình đôi khi không được lắng nghe. Có nhiều lần bàn bạc, mình cũng khá chật vật với những từ chuyên ngành, thế là lúc nào cũng phải ghi chép lại. Không biết cái gì, tra Google cái đó. Tra nhiều lại thành ra biết nhiều.”, anh nhớ lại những khó khăn ngày đầu khi cố gắng hoà nhập cùng mọi người.

Trải qua không ít lần mâu thuẫn, anh Lê Cương nhận ra rằng với những “tay ngang” như anh, hãy cho các đồng nghiệp thấy được điểm mạnh về chuyên môn của bản thân. Một sản phẩm hoàn thiện không chỉ kết tinh từ công nghệ mà còn có cả yếu tố con người, chiến lược kinh doanh và đặc biệt là phân tích số liệu. Vì vậy, mấu chốt để nhận được sự ủng hộ từ nhóm lập trình là thể hiện được rằng dù yếu thế về mặt công nghệ nhưng bằng độ nhạy trong kinh doanh của mình, anh tự tin có thể đem lại lợi ích về mặt tài chính và tăng doanh thu từ tính năng đó.

Sự bù trừ này như một bánh răng giúp dây chuyền sản xuất được diễn ra mượt mà hơn.

Để trụ lại lâu dài ở lĩnh vực này, anh Lê Cương công nhận rằng dù sớm hay muộn, các bạn vẫn nên ít nhiều dành thời gian trang bị cho mình kiến thức về công nghệ đủ để có thể nắm bắt được nội dung của những cuộc trò chuyện giữa các lập trình viên. Ghi chú lại những thuật ngữ và dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu về nó sẽ giúp bạn không quá “đuối” khi đuổi theo các thành viên khác. Dần dần, những cuộc họp với team sẽ không còn ám ảnh bạn nữa mà ngược lại bạn có thể chủ động tham gia vào câu chuyện và cùng nhau “cân đo đong đếm” về technical trade-offs (sự đánh đổi liên quan đến kỹ thuật).

Nghề Product Owner nói riêng và lĩnh vực công nghệ nói chung chưa bao giờ là dễ dàng, thế nhưng như một chuyến hành trình dài đầy bí ẩn phía trước, nếu bạn dám dấn thân, cơ hội chắc chắn sẽ hiện hữu. Thất bại là điều không thể tránh khỏi đặc biệt là trong lĩnh vực cạnh tranh như kỹ thuật công nghệ song qua câu chuyện của anh Lê Cương, hy vọng rằng những bạn trẻ đã đang và sẽ chọn con đường này được tiếp thêm động lực để vững bước và không bao giờ ngơi nghỉ đam mê.

Theo Tuyết Nhi từ Careerlink.vn


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *